Skip to content
VienameseTieng Anh
Bạn đang ở : Trang chủ Tin tức News
Quí I/2009, sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ PDF. In Email
Viết bởi Administrator   
Thứ sáu, 03 Tháng 4 2009 12:01

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2009, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 tăng 2,1% so với quý I/2008, bao gồm : Khu vực kinh tế Nhà nước giảm 3,2% (Trung ương quản lý giảm 2,3%; địa phương quản lý giảm 6,2%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,9% (dầu mỏ và khí đốt tăng 13,1%, các sản phẩm khác tăng 1,5%).

Trong các ngành sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chiếm gần 90% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp nhưng trong quý I/2009 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện, ga, nước tăng 3,6%; công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,1%.

Nhìn chung trong quý I/2009, sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó : Thép tròn giảm 3,3%; máy giặt giảm 8,9%; thủy hải sản chế biến giảm 12%; xe máy giảm 12,7%; dầu thực vật giảm 14,5%; điều hòa nhiệt độ giảm 15,1%; phân hóa học giảm 22,1%; xe chở khách giảm 33,7%; vải dệt từ sợi bông giảm 38,3%; giấy, bìa giảm 39,2%.

 Bên cạnh đó, một số sản phẩm vẫn giữ được mức tăng ổn định như: Dầu thô khai thác tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2008;bia tăng 10,4%; xi măng tăng 10%; sữa bột tăng 7,9%; xe tải tăng 7,4%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; nước máy thương phẩm tăng 5,9%; xà phòng giặt tăng 4,3%; điện sản xuất tăng 3,5%.

Kết quả sản xuất công nghiệp đạt thấp chủ yếu do mức tiêu thụ hàng hoá chậm, thị trường thu hẹp dẫn đến tồn kho sản phẩm, hàng hoá và tồn đọng vốn lớn. Tính đến cuối tháng 2/2009, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến ước tính tăng 67% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó thép tồn kho gấp 2,6 lần; sắt tròn đường kính 10mm trở lên gấp 2,1 lần; gạch lát tăng 55%; quần áo may sẵn tăng 76%.v.v...Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trọng điểm phải cắt giảm khoảng 15% lao động thường xuyên và thực hiện chế độ làm việc luân phiên không thường xuyên như: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Phúc .v.v...

Trong điều kiện khó khăn chung, nhiều địa phương có qui mô sản xuất công nghiệp lớn tuy không còn duy trì được tốc độ phát triển cao như những năm trước nhưng giá trị sản xuất 3 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước như: Thanh Hóa tăng 9,6%;Hải Phòng tăng 6,9%; Cần Thơ tăng 6,7%; Đồng Nai tăng 6,6%; Hà Nội tăng 5,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,6%; Khánh Hòa tăng 5,4%; Bình Dương tăng 4%.

 Một số địa phương có tốc độ giảm hoặc tăng thấp như: Phú Thọ giảm 19,7%; Vĩnh Phúc giảm 17,6%;Đà Nẵng giảm 13,8%;Hải Dương giảm 6,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,9%; Quảng Ninh tăng 0,4%.  

(Nguồn: TCTK, 30/3/2009)

 
<< Bắt đầu < 42 44 45 46 > Cuối >>

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL