There are no translations available.
Quý I năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng vẫn tăng so với cùng kỳ. Nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, bị sụt giảm mạnh so với năm trước, thấp nhất tính từ năm 1990.
Đây là một cảnh báo quan trọng nhiều vì lẽ:
Một là, GTSXCN đã tăng trưởng hai chữ số trong 18 năm liền - một tốc độ tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài mà các thời kỳ trước chưa bao giờ đạt được và cũng không có ngành nào,lĩnh vực nào đạt được trong thời gian tương ứng. Công nghiệp đã trở thành đầu tàu, là động lực của tăng trưởng kinh tế chung. Quý I năm nay, công nghiệp vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, nhưng đó là tốc độ tăng thấp nhất tính từ năm 1990.
Tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng quý I năm nay không những thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 1,5% so với tăng 8,15%), mà còn thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế (tăng 1,5% so với 3,1%). Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng công nghiệp ("Đầu tàu" đã phải đưa vào sửa chữa, nên cần phải được sửa chữa nhanh để tự chạy được và để kéo cả đoàn tàu vượt khó).
Hai là, công nghiệp cùng với một số ngành sản xuất khác là ngành kinh tế thực, việc tăng lên của nó không chỉ có tác động đến toàn bộ mà còn tác động đến nền kinh tế tài chính tiền tệ, vốn là một trong những nguyên nhân tạo ra "bong bóng", là sự khởi đầu bị tổn thương nhiều nhất và đến lượt nó đã tác động mạnh đến nền kinh tế thực. Trên thực tế nếu sản xuất công nghiệp không thoát khỏi suy giảm, thì không hấp thụ được vốn (dù có kích cầu đầu tư), cũng không đạt được hiệu quả để tạo ra doanh thu tạo ra lợi nhuận, tích lũy - một trong những bộ phận tạo nên nền kinh tế tài chính.
Ba là, công nghiệp cùng với các ngành sản xuất khác mà tăng trưởng bị sụt giảm thì sẽ trực tiếp gây ra tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm, đình công chủ yếu do công ăn việc làm gia tăng tác động xấu đến thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán, tác động xấu đến an sinh xã hội.
Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của công nghiệp diễn ra ở cả ba khu vực. Khu vực DNNN bị giảm về mặt tuyệt đối và giảm cả ở doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp địa phương. Doanh nghiệp trung ương gặp khó khăn về xuất khẩu, quay về thị trường trong nước thì không dễ dàng do khâu tổ chức phân phối lâu nay chưa được quan tâm, nay sức mua có khả năng thanh toán lại tăng thấp. Doanh nghiệp địa phương lâu nay quen hơn đối với thị trường nội địa, nhưng hiệu quả, sức cạnh tranh vốn đã yếu kém, nay lại gặp sự cạnh tranh quyết liệt của hàng nhập khẩu với giá rẻ, chủng loại, mẫu mã phong phú đa dạng hợp thị hiếu. Khu vực ngoài nhà nước mấy năm nay chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng tăng cao nhất, nhưng do gặp khó khăn về vốn, về thị trường, nên tuy vẫn tăng cao nhất, trong 3 khu vực, nhưng tốc độ tăng đã bị sụt giảm mạnh. Khu vực có vốn ĐTNN tuy vẫn tăng và chủ yếu do ngành dầu mỏ, khí đốt, còn các ngành khác của khu vực này tăng thấp, do nguồn vốn và tiêu thụ của công ty mẹ ở nước ngoài gặp khó khăn.
Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng công nghiệp diễn ra ở hầu hết các địa bàn. Ngay công nghiệp trên địa bàn Tp. HCM - địa bàn chiếm gần 1/3 công nghiệp cả nước - quý này chỉ tăng 1,9%, làm cho GDP ở đây chỉ tăng 4% thấp xa so với tốc độ tăng trên 11% của cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng công nghiệp diễn ra ở hầu hết các sản phẩm chủ yếu. Trừ dầu thô, xi măng, bia, sữa bột tăng khá, còn nhiều sản phẩm chủ yếu khác tăng thấp, thậm chí còn bị giảm, như kính, giấy bìa, vải dệt từ sợi bông...
Vấn đề lớn nhất của công nghiệp hiện nay là vốn và tiêu thụ. Vấn đề vốn đã có hướng giải quyết, cần đẩy nhanh thực hiện và mở rộng đối tượng, tăng thời hạn hỗ trợ, mở rộng phạm vi hỗ trợ (cả đầu tư đổi mới công nghệ...). Nhưng vấn đề hàng đầu là tiêu thụ đang chưa có lời giải thoả đáng...
(Nguồn: TBKTVN, 27/3/2009)
( 27/3/2009)
|